BREXIT

Cuộc bỏ phiếu ở Anh vào năm 2016 về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là một sự kiện gây chấn động. Người dân Anh đã phớt lờ lời khuyên của các nhà lãnh đạo mọi đảng phái chính trị lớn của họ và hầu hết các chuyên gia.

George Osborne, Bộ trưởng Tài chính Anh, nói với các cử tri rằng việc rời khỏi EU sẽ tàn phá nền kinh tế Anh. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cảnh báo rằng việc này sẽ làm giảm ảnh hưởng của Anh trên trường quốc tế. Các thị trường tài chính, nhiều tổ chức thăm dò ý kiến và các học giả chính trị đều dự đoán rằng các cử tri sẽ để tâm đến lời khuyên của giới tinh hoa. Tuy nhiên, họ đã quyết định không làm vậy khi khởi động một tiến trình chắc chắn sẽ biến đổi đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc trưng cầu dân ý đã dẫn tới sự xuất hiện ồ ạt các cuốn sách tìm cách giải thích, hoặc ít nhất là mô tả, điều đã xảy ra. Nhịp độ xuất bản học thuật đồng nghĩa với việc hầu hết các cuốn đã xuất hiện là những mô tả chóng vánh và thô thiển của các nhà báo hoặc các chính trị gia và các cố vấn của họ. Trong số này có 2 cuốn nổi bật: “Giải phóng những con quỷ dữ” của Craig Oliver, người từng giữ chức giám đốc truyền thông của Thủ tướng David Cameron, và “Chiến tranh toàn lực” của nhà báo Tim Shipman.

Hai cuốn sách này kể lại câu chuyện về Brexit theo các cách khác nhau. Oliver đã rút ra nhiều điều từ nhật ký của ông để mô tả một phần phe Ở lại, trong khi Shipman kể lại lịch sử trọn vẹn của toàn bộ chiến dịch này. Nhưng cả 2 đều là lịch sử của giới tinh hoa, tập trung vào lời nói và hành động của các nhà lãnh đạo chính trị thay vì chi tiết về các hoạt động trên thực địa hay lý do giải thích tại sao hơn 33 triệu người lại bỏ phiếu như họ đã làm.

Các hoạt động của giới tinh hoa dĩ nhiên là quan trọng. Êkíp của Cameron đã mắc những sai lầm to lớn về chính sách nhập cư, việc truyền đạt thông điệp và quyết định ngay từ đầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Tuy vậy, vì cả Oliver và Shipman đều tập trung vào giới tinh hoa và trong một giai đoạn tương đối ngắn, về cơ bản từ đầu năm 2016 đến cuộc bỏ phiếu ngày 23/6, họ phần lớn phớt lờ những xu hướng dài hạn hơn đã tạo nên cuộc bỏ phiếu rời khỏi EU: sự mất lòng tin ngày càng gia tăng vào các chính trị gia và chuyên gia, tình hình thê thảm do chính sách thắt lưng buộc bụng về kinh tế nhiều năm và một bộ máy chính trị hội tụ ở trung ương.

Cách thua cuộc trong một cuộc trưng cầu dân ý

Nhiều năm trước cuộc trưng cầu dân ý, êkíp của ông Cameron đã mắc một loạt sai lầm khiến sự nghiệp của họ, cũng như chiến dịch Ở lại chính thức sau đó, bị sụp đổ. Sai lầm nghiêm trọng nhất liên quan đến việc nhập cư. Trước cuộc bầu cử năm 2010, ông Cameron đã hứa hẹn giảm tổng số người nhập cư hàng năm vào Anh từ hơn 200.000 người xuống “hàng chục nghìn người”.

Tuy nhiên, quy tắc về quyền tự do đi lại của EU khiến cho lời hứa này không thể thực hiện được. Nhưng tại đại hội đảng Bảo thủ vào tháng 10/2014, ông Cameron đã đẩy mạnh cam kết. Ông tuyên bố: “Nước Anh, tôi biết các bạn muốn việc này được thu xếp, nên tôi sẽ tới Brussels, tôi sẽ không chấp nhận câu trả lời ‘không’, và khi nói đến vấn đề tự do đi lại, tôi sẽ có được điều mà nước Anh cần.” Bằng cách ám chỉ rằng việc kiểm soát sự di cư từ EU là khả thi, ông Cameron đã tạo ra những kỳ vọng mà ông không thể đáp ứng. Tới tháng 2/2016, nỗ lực của ông nhằm đàm phán lại vấn đề nhập cư với EU đã biến thành một thảm họa chính trị.

Mặc dù ông đã giành được khả năng giới hạn quyền tiếp cận một số phúc lợi đối với người di cư EU trong 4 năm đầu tiên sau khi họ tới Anh, thỏa thuận này còn xa mới đạt tới các yêu cầu của những người hoài nghi châu Âu. Trên thực tế, ông đã chấp nhận câu trả lời “không.” Shipman, người rõ ràng đã nói chuyện một cách chi tiết với hầu hết những người quan trọng, giải thích chiến dịch Ra đi đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề nhập cư ngay từ đầu như thế nào. Sau khi các số liệu chính thức được công bố vào cuối tháng 5 cho thấy số người nhập cư thuần đã gia tăng trong năm trước đó, chiến dịch Ra đi đã nhắm mục tiêu vào vấn đề này một cách không khoan nhượng. Phe Ở lại đã phải vật lộn để đáp trả.

Shipman cũng cho thấy khuynh hướng của ông Cameron đặt số phận của đảng Bảo thủ lên trên số phận của đất nước đã dẫn ông tới nhiều sai lầm ngớ ngẩn như thế nào, đầu tiên là quyết định ngay từ đầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.

Năm 2013, áp lực không ngừng từ những nghị sỹ cấp thấp thuộc đảng Bảo thủ, cùng với nỗi lo sợ đánh mất cử tri vào tay đảng Độc lập Vương quốc Anh, hay còn gọi là UKIP, một đảng hoài nghi châu Âu và bài nhập cư, đã đẩy Cameron đến chỗ hứa hẹn bổ sung một cuộc trưng cầu dân ý vào cương lĩnh tiếp theo của đảng Bảo thủ. Làm như vậy dĩ nhiên giúp ông lật ngược thế bất lợi và chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, nhưng cuối cùng, nó đã chứng tỏ là một động thái thiển cận.

Trong phần lớn chiến dịch, ông Cameron và Osborne từ chối tấn công trực diện 2 nhân vật ủng hộ Brexit hàng đầu trong đảng Bảo thủ là Michael Gove và Boris Johnson

Việc Oliver, một người trung thành với ông Cameron, không mấy sẵn sàng thừa nhận rằng sự đoàn kết của đảng xếp trên lợi ích quốc gia là điều dễ hiểu. Nhưng ông đem lại một sự hiểu biết sâu sắc về cách thức thủ tướng và êkíp của ông tiếp cận vấn đề này khi ông lập luận rằng nếu không có lời hứa hẹn về một cuộc trưng cầu dân ý, “đảng Bảo thủ, và do vậy là đất nước, sẽ trở nên hầu như không thể điều hành được.” Việc Oliver tin rằng chỉ có đảng Bảo thủ mới điều hành được nước Anh cũng có nghĩa là đối với ông, các lợi ích của đảng và của đất nước là như nhau.

Như Shipman đã mô tả chi tiết, trong suốt chiến dịch này, mong muốn của Cameron duy trì sự đoàn kết của đảng Bảo thủ mang tính quyết định trong việc hình thành các chiến thuật của ông. Khi đối mặt với các đối thủ ưa kích động các cuộc chiến trong nội bộ đảng Bảo thủ, phố Downing đã lưỡng lự trong việc đáp trả. Trong phần lớn chiến dịch, ông Cameron và Osborne từ chối tấn công trực diện 2 nhân vật ủng hộ Brexit hàng đầu trong đảng Bảo thủ là Michael Gove và Boris Johnson. Một ví dụ là việc chiến dịch Ở lại đã thiết kế một tấm áp phích với ý định bôi nhọ phe Ra đi là “cùng một giuộc” với chủ nghĩa cực đoan bằng việc trưng ra hình ảnh Johnson trong túi ngực của Nigel Farage, nhà lãnh đạo UKIP.

Cuối cùng, êkíp của ông Cameron đã rút bỏ tấm áp phích về Johnson và Farage do lo sợ rằng nó sẽ gây khó khăn hơn cho việc hòa giải hậu trưng cầu dân ý trong đảng Bảo thủ. Sau cuộc bỏ phiếu, Matthew Elliot, người đứng đầu chiến dịch Ra đi, đã bày tỏ với tờ Financial Times sự ngạc nhiên trước quyết định này. Ông cho rằng việc liên hệ những người đào ngũ cấp cao trong đảng Tory (đảng Bảo thủ – ND) với UKIP như “những kẻ cánh hữu gàn dở và điên rồ” sẽ là “chí tử” đối với những hy vọng của phe Ra đi.

(Nguồn: BBC)
(Nguồn: BBC)

Như cuốn “Chiến tranh toàn lực” giải thích, Công đảng cũng đang tự chia rẽ vì vấn đề EU. Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngay khi bộ máy ủng hộ EU của Công đảng đang ở thế bất lợi. Năm 2015, đảng đã bầu Jeremy Corbyn từ phe cực tả lên làm lãnh đạo, người từng bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Cộng đồng kinh tế châu Âu (nguyên mẫu đầu tiên của EU) trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1975 và đã phản đối nhiều hiệp ước EU với tư cách một nghị sỹ Quốc hội.

Trước thềm cuộc trưng cầu dân ý, Corbyn ủng hộ việc ở lại EU, nhưng Shipman đưa ra chi tiết rất tỉ mỉ về việc êkíp của ông đã miễn cưỡng đến mức nào trong việc hợp tác với chiến dịch Ở lại chính thức. Shipman trích lời Alan Johnson, một nghị sỹ Công đảng và lãnh đạo nhóm ủng hộ Ở lại trong đảng của ông: “Các cố vấn của Jeremy… hoàn toàn muốn rời khỏi EU. Họ có thể là các nhà lãnh đạo Công đảng, nhưng họ có xăm hình búa liềm ở đâu đó”.

Không có bản mô tả nào về chiến dịch là hoàn chỉnh nếu không xem xét đến các phương tiện truyền thông. Oliver làm tốt nhất ở điểm này, đặc biệt là khi nói tới BBC. Trước khi tham gia chính phủ, ông từng giữ một số vai trò trong tập đoàn này, trong đó có nhiệm vụ biên tập viên của chương trình thời sự quan trọng nhất vào 6 giờ chiều và 10 giờ tối. Theo lưu ý của ông, tập đoàn này tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn khi cố gắng tỏ ra cân bằng.

Đứng trước các tuyên bố cạnh tranh lẫn nhau, BBC thường không đặt câu hỏi về giá trị của tuyên bố này hay tuyên bố khác, mà cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách đơn giản là cho 2 bên thời lượng phát sóng ngang nhau

Đứng trước các tuyên bố cạnh tranh lẫn nhau, BBC thường không đặt câu hỏi về giá trị của tuyên bố này hay tuyên bố khác, mà cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách đơn giản là cho 2 bên thời lượng phát sóng ngang nhau. Chẳng hạn, mặc dù số lượng áp đảo các chuyên gia giữ vững ý kiến rằng rời khỏi EU sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Anh, nhưng như thường lệ, BBC đặt một trong số ít nhà kinh tế ủng hộ Brexit bên cạnh một tiếng nói ủng hộ Ở lại mà không đề cập đến việc các nhà kinh tế ủng hộ Ở lại rõ ràng vượt trội.

Như Oliver kể, mặc dù phe Ở lại đã tìm cách gây được sức ép để BBC phản ánh ý kiến chuyên gia một cách chính xác hơn trên các chương trình phát thanh và truyền hình quan trọng nhất của họ, nhưng họ đạt được ít thành công hơn trong việc định hình những hoạt động đưa tin khác của tập đoàn này.

Điều này khiến họ tổn hại nghiêm trọng vì mặc dù phần lớn giới quyền uy nước Anh nghe một vài chương trình phát thanh truyền hình chủ yếu – chương trình Today trên BBC Radio 4 và Newsnight trên BBC Two – nhưng đa phần công chúng không làm vậy. Và các phương tiện truyền thông phổ biến nhất, chẳng hạn như các chương trình ca nhạc (mà trong đó cũng có các bản tin và các cuộc tranh luận về các vấn đề thời sự) và trang mạng BBC, thường được xem xét ít kỹ lưỡng hơn nhiều về mặt biên tập so với các chương trình chính của BBC.

Tuy nhiên, cuối cùng, dù có những sự sẩy chân của Công đảng và giới truyền thông, kết quả trưng cầu dân ý chủ yếu bắt nguồn từ thất bại của chính quyền đảng Bảo thủ. Kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý không cần thiết, họ đã hiểu lầm chính người dân của mình và thua cuộc dù đã lập luận rằng thất bại sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc.

(Nguồn: AFP)
(Nguồn: AFP)

Trễ hẹn từ lâu

Trong phần giới thiệu của mình, Shipman thừa nhận rằng mối quan hệ trước đây với EU có thể “quan trọng hơn những gì đã xảy ra trong chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu trong việc xác định kết quả”. Ông đã đúng. Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ở Anh đã được hình thành từ lâu. Hạt giống của chiến dịch Ra đi đã được gieo trong các cuộc chiến cay đắng trong Quốc hội vào đầu những năm 1990, khi một nhóm nghị sỹ Bảo thủ hoài nghi châu Âu nổi dậy chống lại chính phủ của chính họ về việc thông qua Hiệp ước Maastricht thành lập nên EU. Cuộc chiến xoay quanh hiệp ước này cũng dẫn tới việc thành lập UKIP, được hình thành từ một nhóm thuộc chiến dịch bài Maastricht.

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu Brexit không chỉ phản ánh chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang sôi sục. Nó còn là kết quả của sự chán ghét ngày càng tăng dành cho các chính trị gia, các chuyên gia và hệ thống kinh tế Anh. Trong những năm trước cuộc bầu cử, nước này đã chứng kiến một sự sụt giảm liên tục lòng tin vào các chính trị gia. Người ta lan truyền nhận thức rằng chính trị không đưa ra câu trả lời nào cả. Cả Công đảng lẫn đảng Bảo thủ đều tin vào những ý tưởng như nhau: tư duy kinh tế tân tự do và một nghị trình văn hóa tự do xã hội. Chẳng hạn, chính một liên minh do đảng Bảo thủ dẫn dắt đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2014. Và do đó công chúng ngày càng coi các chính trị gia đều giống nhau.

Chính quyền Cameron đã làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin và thờ ơ đang gia tăng này. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, chính quyền đã theo đuổi các chính sách thắt lưng buộc bụng đánh vào tầng lớp khó khăn nhất trong xã hội một cách không tương xứng. Và ngay cả khi tăng trưởng GDP hồi phục, hầu hết mọi người hầu như không nhận thấy lợi ích gì. Chẳng hạn, tiền lương thực tế đã giảm hơn 10% từ năm 2007 đến năm 2015.

Cả hai cuốn sách đều không nắm bắt được phần lớn bối cảnh này. Nhưng sự vắng mặt của nó trong mô tả của Oliver – từ “thắt lưng buộc bụng” không hề xuất hiện – đặc biệt gây khó chịu. Xét cho cùng, chính phủ mà Oliver đã làm việc cho từ năm 2011 đóng một vai trò cốt yếu trong việc xa lánh những người đi bỏ phiếu nhằm cho bộ máy chính trị “một vố đau.”

Trong chiến dịch trưng cầu dân ý, các xu hướng này đã kết hợp để vận động một vài nhóm khác nhau ủng hộ Brexit. Gần 3 triệu người không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2015 đã đi bỏ phiếu trong năm 2016. Những người tán thành với các giá trị xã hội mang tính bảo thủ có khả năng bỏ phiếu Ra đi cao hơn nhiều. Phe này thu được kết quả tốt ở các vùng của nước Anh mà ở đó việc làm khó kiếm, dễ mất và trả công tồi; nhà ở hợp túi tiền thì khan hiếm; và các cấp giáo dục được xếp hạng thấp hơn nhiều so với ở London.

Ở những nơi này, người dân không còn tin vào những gì các chuyên gia hay các chính trị gia nói về nền kinh tế, và hoài nghi sâu sắc những người cho rằng nguyên trạng là lựa chọn an toàn hơn. Shipman trích dẫn một nguồn tin thuộc chiến dịch của Công đảng, người đã nói với ông rằng vấn đề của việc chiến dịch Ở lại tập trung vào những mối nguy hiểm kinh tế trên lý thuyết của Brexit là việc các cử tri Công đảng nghèo hơn ở miền Đông Bắc và Tây Bắc vốn đã cảm thấy nền kinh tế không phù hợp với họ.

(Nguồn: TTXVN)
(Nguồn: TTXVN)

Hậu quả

Bất chấp vai trò chủ chốt của kinh tế trong chiến dịch Brexit, các tác động trực tiếp của nó lại mang tính chính trị. Buổi sáng sau cuộc bầu cử, ông Cameron đã từ chức. (Tờ The Sun trích dẫn lời ông bày tỏ mong muốn tránh phải đưa Brexit vào vận hành. Ông hỏi các phụ tá khi nói chuyện riêng: “Tại sao tôi lại phải làm những việc khó khăn cho người khác, chỉ để đặt mọi thứ lên một chiếc đĩa rồi đem dâng cho họ?”) Ông không chỉ để lại cho người kế nhiệm mình, Theresa May, một loạt cuộc đàm phán có thể là gây thách thức nhất mà Anh từng thực hiện trong thời bình, mà còn không để lại kế hoạch nào cho tình huống bất ngờ (rõ ràng việc lên kế hoạch như vậy trước cuộc bầu cử sẽ khiến mọi chuyện trông có vẻ tồi tệ).

Kết quả là, dưới thời bà May, bộ máy công vụ đã dành phần lớn năm 2016 để phân tích cách thức Brexit tác động tới Anh và họ nên tiếp cận các cuộc đàm phán với EU như thế nào trước khi đất nước rời khỏi liên minh vào ngày 29/3/2019. Chậm mà chắc, lập trường của bà May đã kết tinh. Theo quan điểm của bà, việc tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý đồng nghĩa với cái gọi là Brexit cứng. Hàm ý của nó là đưa đất nước ra khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan của EU, những điều mà cùng với nhau bao hàm các quy tắc và tiêu chuẩn quy chế chung cũng như việc không có các cuộc kiểm tra hải quan nội bộ, khiến thị trường trên khắp EU giống như thị trường của một quốc gia đơn lẻ. Nhưng một Brexit cứng không phải là cách duy nhất để diễn giải kết quả trưng cầu dân ý. Chẳng hạn, một cách khác là “lựa chọn của Na Uy” mà theo đó Anh sẽ ở lại thị trường chung ngay cả sau khi rời khỏi EU.

Dù chính phủ quyết định thông qua kiểu Brexit nào, Anh dường như sẽ có vài năm hỗn loạn. Ngay lúc này, các dấu hiệu cảnh báo về kinh tế đã xuất hiện rõ ràng. Lạm phát đang trên đà tăng, một phần bởi đồng bảng Anh giảm giá ngay sau cuộc trưng cầu dân ý. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đã giảm sút. Và mọi việc có khả năng trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng một Brexit cứng sẽ dẫn tới sự sụt giảm 40% trong thương mại với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Nền kinh tế Anh sẽ phải thích nghi khi một số ngành xuất khẩu suy giảm và các công ty, đặc biệt là trong ngành chế tạo và dịch vụ, xem xét việc di chuyển tới các quốc gia thuộc thị trường chung và liên minh thuế quan của EU. Sự thích nghi này có thể sẽ tỏ ra là một tiến trình chậm chạm và đau đớn.

Nhà nước Anh cũng sẽ phải thay đổi để đối phó với Brexit. Họ sẽ phải tổ chức các dàn xếp hải quan mới, ban hành những quy chế và chính sách mới ở các lĩnh vực như nông nghiệp và nhập cư, và thiết lập các cơ quan quản lý mới để thay thế các cơ quan của EU. Trong vài năm tới, khó mà mường tượng được ngoài việc thực hiện Brexit, chính phủ có thể làm được nhiều việc khác bằng cách nào.

Dĩ nhiên, cách tiếp cận của chính phủ đối với Brexit có thể thay đổi. Nước Anh ổn định, thực dụng của thời xưa không còn nữa. Chính trị đã trở nên kích động và không đoán trước được. Bà May đang đứng đầu một chính phủ thiểu số. Các bộ trưởng cãi nhau công khai. Các công chức cấp cao tiết lộ nhiều câu chuyện gây tổn hại tới các “sếp” chính trị của họ cho báo giới.

Ngày càng có nhiều người dường như coi sự bất ổn này là một dấu hiệu cho thấy kết quả của cuộc trưng cầu dân ý có thể bị lật lại. Nhưng khó mà mường tượng được điều đó có thể xảy ra như thế nào. Đảng Bảo thủ (với ngoại lệ là một vài người thân châu Âu ngoan cố) đã cam kết sẽ tiến hành Brexit. Và ban lãnh đạo hiện tại của Công đảng, vốn chưa bao giờ đặc biệt thiết tha với tư cách thành viên EU, đã quyết định duy trì lập trường mơ hồ trong vấn đề đã giúp họ có được kết quả vượt mong đợi trong cuộc bầu cử vừa qua.

Tuy nhiên, những người mà sự kiêu ngạo và sự sẵn sàng đặt đảng phái lên trên đất nước của họ đã đưa nước Anh vào tình thế này đều đang phát đạt. Ông Cameron đã tham gia các cuộc diễn thuyết quốc tế, và giữa những chuyến đi, ông viết hồi ký trong một khu vườn thiết kế tiêu tốn của ông 25.000 bảng Anh. Osborne, kiến trúc sư của chính sách thắt lưng buộc bụng mà đã bần cùng hóa nhiều người và khiến họ cảm thấy chán nản, đã được thuê làm biên tập viên của tờ London Evening Standard có sức ảnh hưởng lớn, dù ông hoàn toàn không có kinh nghiệm làm báo.

Còn về bản thân Oliver, ông đã được phong tước hiệp sĩ vì những thành tựu của mình và hiện kiếm sống bằng công việc tại một công ty tư vấn cấp cao chuyên đưa ra lời khuyên về Brexit. Ông kết thúc cuốn sách của mình bằng một lời cầu xin thay mặt cho thủ trưởng cũ: “Tôi hy vọng lịch sử sẽ tử tế với ông”. Hầu như chẳng có lý do nào để lịch sử nên như vậy cả./.