Một thế giới bị phân chia bởi 5G

huawei5g-1560134624-51.jpg

Trong một thời gian dài, Mỹ thường có tâm lý coi thường hạ tầng công nghệ nói chung và Internet nói riêng của Nga và Trung Quốc.

Dưới con mắt của nhiều người Mỹ, Trung Quốc và Nga bị coi là tụt hậu về mặt công nghệ, rất tệ hại với các dịch vụ sao chép, không thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon do sự kiểm duyệt và can thiệp của chính phủ.

Huawei đang là trọng tâm phân chia thế giới thành hai nửa.

Thế nhưng, mọi thứ dường như đã thay đổi khi Trung Quốc xuất hiện những gã khổng lồ công nghệ có sức cạnh tranh mạnh trên trường thế giới như Huawei, ZTE. Những gã khổng lồ này đã được tiếp thêm sức mạnh với kỷ nguyên mạng di động thế hệ 5 (mạng 5G). Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà lãnh đạo không thể tranh cãi trong mạng 5G.

Và chính Huawei đang là trọng tâm phân chia thế giới thành hai nửa khi giúp Trung Quốc và Nga cũng như nhiều quốc gia khác tiến lên với thế hệ công nghệ Internet tiếp theo, trong khi Mỹ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau với những định kiến bảo thủ.

Mỹ đã cấm Huawei tham gia vào các mạng 5G của nước này và đe dọa sẽ ngăn chặn hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc tiếp cận phần mềm, linh kiện cần thiết cho các mảng kinh doanh điện thoại thông minh và thiết bị mạng.

(Nguồn: AP)
(Nguồn: AP)

Mỹ cũng đang kêu gọi các đồng minh hạn chế hoặc cấm sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G đi kèm cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng cơ sở hạ tầng dữ liệu nhạy cảm cho hoạt động gián điệp. Huawei đã nhiều lần phủ nhận rằng bất kỳ sản phẩm nào của hãng này đều có rủi ro về an ninh quốc gia.

Trong khi một số thành phố của Mỹ đã bắt đầu tung ra công nghệ 5G, các nhà phân tích cảnh báo về việc Huawei bị cấm sẽ mang đến những rủi ro làm chậm việc mở rộng vùng phủ sóng trên toàn quốc và có thể khiến nước Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc.

Huawei ‘tìm lại chính mình’ ở nước Nga

Ngày 5/6 bên lề cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin tại Moskva trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Trung Quốc, tập đoàn công nghệ Huawei đã ký một thỏa thuận với công ty viễn thông MTS của Nga về phát triển mạng 5G tại Nga trong năm 2020.

Bây giờ ngay cả Nga, thường không được coi là một cường quốc công nghệ di động, đã sẵn sàng để tiến lên.

“Mỗi một quốc gia có quyền và khả năng riêng của mình để xác định xem các loại thiết bị khác nhau có hay không đại diện cho những mối lo ngại nhất định. Theo nghĩa này, Huawei hoàn toàn đủ điều kiện tham gia vào hệ thống mạng của chúng tôi.” (Giám đốc điều hành MTS Alexey Kornya)

Mặc dù có lịch sử cảnh giác về gián điệp nước ngoài với nhiều luật bảo vệ dữ liệu, song Điện Kremlin đã chấp nhận thỏa thuận giữa Huawei và MTS – một trong ba nhà khai thác mạng di động hàng đầu ở Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF), Giám đốc điều hành MTS Alexey Kornya cho biết Huawei đang có “đủ điều kiện” để cung cấp cơ sở hạ tầng cho các mạng không dây thế hệ 5 (mạng 5G) của Nga.

Khi được hỏi liệu MTS có bị áp lực phải ký hợp đồng với Huawei, ông Kornya trả lời hoàn toàn không bị bên ngoài chi phối.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MTS Alexei Kornya (thứ 2, phải) và Chủ tịch luân phiên Huawei Quách Bình (thứ 2, trái) tại Moskva, ngày 5/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MTS Alexei Kornya (thứ 2, phải) và Chủ tịch luân phiên Huawei Quách Bình (thứ 2, trái) tại Moskva, ngày 5/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

“Mỗi một quốc gia có quyền và khả năng riêng của mình để xác định xem các loại thiết bị khác nhau có hay không đại diện cho những mối lo ngại nhất định. Theo nghĩa này, Huawei hoàn toàn đủ điều kiện tham gia vào hệ thống mạng của chúng tôi.” – ông Kornya nói.

“Cái bắt tay” Nga-Trung với “gạch nối” là Huawei trong phát triển mạng 5G được giới phân tích nhận định là một bước ngoặt, đánh dấu việc thiết lập một “bức tường thép” trong một “cuộc chiến tranh lạnh” về công nghệ ngày càng hiện rõ giữa một bên là Mỹ cùng một số nước đồng minh với một bên là liên minh Trung-Nga.

“Cái bắt tay” Nga-Trung với “gạch nối” là Huawei trong phát triển mạng 5G được giới phân tích nhận định là một bước ngoặt, đánh dấu việc thiết lập một “bức tường thép” trong một “cuộc chiến tranh lạnh” về công nghệ.

Thỏa thuận phát triển 5G ở Nga của Huawei diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mới phê duyệt đợt cấp phép 5G đầu tiên cho mục đích thương mại, và như theo lời của truyền thông nước này, sự kiện đã mở ra “một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp viễn thông.” Huawei, hãng nắm tới 50% thị phần trong thị trường thiết bị viễn thông Trung Quốc, sẽ tham gia sâu vào nỗ lực đó, bổ sung các hợp đồng mới vào hơn 45 hợp đồng 5G thương mại mà hãng đã ký kết tại 30 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, đây không phải là điều cần phải quan tâm với Huawei lúc này. Trong hai tháng qua, Nokia đã ký 12 hợp đồng 5G mới, trong khi Huawei chỉ đạt được ba hợp đồng. Một mức tăng trưởng chậm lại đáng lo ngại với hãng công nghệ Trung Quốc, đang được coi là công ty hàng đầu thế giới khi nói đến 5G và có thể hạ gục đối thủ về giá cả.

Trong tình thế hiện nay, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã tìm thấy chính mình trên chiến tuyến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc tranh thủ mời chào các quốc gia đồng minh với Trung Quốc cũng như khai thác triệt để sự do dự của một số nước đang là hướng đi đúng của Huawei nhằm phá thế bao vây cấm vận.

Bản đồ phản ánh các nền kinh tế đang cấm vận (màu cam) và giám sát cao (màu xanh đậm) với Huawei. (Nguồn: CNN)
Bản đồ phản ánh các nền kinh tế đang cấm vận (màu cam) và giám sát cao (màu xanh đậm) với Huawei. (Nguồn: CNN)

Các “chiến lược gia” của Huawei dường như nhận thức được rằng khi các quốc gia tiếp tục tiến lên với việc phát triển mạng 5G – sẽ cung cấp tốc độ nhanh hơn, kết nối nhanh hơn và truy cập nhanh hơn vào điện toán đám mây, trao quyền cho các công nghệ như xe tự hành và thành phố thông minh – thì sự phân chia hai phe Mỹ-Trung ngày càng tăng.

Một bên, có những đồng minh của Trung Quốc không có vấn đề gì với Huawei, và Nga là ví dụ mới nhất. Ở nửa bên kia là Mỹ và một số đồng minh thân cận nhất của họ, những nước đã cam kết sẽ đóng cửa với công ty Trung Quốc.

 Châu Âu sẽ phải trả thêm 55 tỷ euro (62 tỷ USD) cho mạng 5G và chịu sự chậm trễ trong triển khai công nghệ 5G 18 tháng nếu họ cấm mua thiết bị viễn thông từ các nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc.(Hiệp hội GSM)

Tuy nhiên, ở giữa, vẫn có một loạt các quốc gia như Đức, Anh, hầu hết trong số đó có truyền thống gần gũi với Mỹ hơn Trung Quốc nhưng không sẵn sàng chịu sự chậm trễ, chi phí thêm để xây dựng mạng 5G và việc có cấm Huawei hay không vẫn còn ở trên bàn nghị sự của những người ra quyết sách mà không biết bao giờ mới có câu trả lời cuối cùng.

Theo báo cáo của Hiệp hội GSM, châu Âu sẽ phải trả thêm 55 tỷ euro (62 tỷ USD) cho mạng 5G và chịu sự chậm trễ trong triển khai công nghệ 5G 18 tháng nếu họ cấm mua thiết bị viễn thông từ các nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc.

Báo cáo của Hiệp hội GSM, đại diện cho 750 nhà khai thác di động trên toàn thế giới, cho biết, Ericsson, Nokia và Samsung không có khả năng xử lý tất cả các thay đổi từ mạng 3G và 4G sang 5G.  Huawei và ZTE chiếm khoảng 40% thị trường EU và Huawei “hiện đang là hãng tiên phong trong công nghệ 5G,” theo phân tích của GSM.

Phân chia thế giới Internet

Thực tế là Mỹ đã tụt lại phía sau Trung Quốc khi nói đến 5G và việc áp đặt các biện pháp bao vây cấm vận sẽ không có quá nhiều tác động để thu hẹp khoảng cách đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ không thể bắt kịp – và thậm chí vượt qua cả Trung Quốc – nhưng đó có thể sẽ là một cuộc đấu tranh khốc liệt.

Trường hợp xấu nhất đối với nhiều nhà quan sát dự báo là sự phân chia này sẽ buộc các chính phủ phải chọn phe và thiết lập sự phân chia Internet thế hệ tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ, một điều có thể tạo ra sự phân nhánh lớn trong các công ty viễn thông cung cấp thiết bị mạng.

(Nguồn: Infowars)
(Nguồn: Infowars)

“Lệnh cấm các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc sẽ giảm bớt sự cạnh tranh trong thị trường thiết bị di động, tăng giá và tăng thêm chi phí triển khai 5G,” báo cáo của GSM cho biết. Hiệp hội này dự đoán lệnh cấm sẽ “dẫn đến việc triển khai mạng 5G chậm hơn ở châu Âu và giảm việc tiếp quản, điều này sẽ làm tăng thêm khoảng cách năng suất giữa EU và Mỹ.”

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức tại St Petersburg, ngày 7/6, Tổng thống Nga Putin đã lên án các âm mưu đang diễn ra nhằm loại Huawei khỏi thị trường quốc tế, coi đây là sự khởi đầu của một cuộc chiến công nghệ mới. Ông nhấn mạnh, âm mưu giữ độc quyền làn sóng công nghệ mới và hạn chế sự tiếp cận các sản phẩm của Huawei là khởi nguồn chính cho sự bất ổn toàn cầu.

Âm mưu giữ độc quyền làn sóng công nghệ mới và hạn chế sự tiếp cận các sản phẩm của Huawei là khởi nguồn chính cho sự bất ổn toàn cầu.(Tổng thống Nga Putin)

“Huawei đang trở thành nạn nhân của sự bắt nạt của chính quyền Mỹ. Đây không chỉ là một cuộc tấn công chống lại Huawei. Đây là một cuộc tấn công vào trật tự tự do, dựa trên các quy tắc. Điều này thực sự nguy hiểm,” Abraham Liu, trưởng đại diện của Huawei tại các tổ chức của EU nói.

Theo nhà phân tích James Griffiths của kênh CNN (Mỹ), có nên chọn Huawei hay không đang trở thành một thử nghiệm chính trị, một mối đe dọa làm trầm trọng thêm sự phân chia của Internet toàn cầu thành các lĩnh vực riêng biệt và đẩy nhanh sự sụp đổ của web mở trên toàn thế giới. Những người chọn tránh Huawei đang có nguy cơ tụt lại phía sau khi thế giới tiến tới giai đoạn tiếp theo của công nghệ truyền thông và Internet.

“Mạng 5G nhanh như chớp được dự đoán sẽ đưa chúng ta đến gần nhau hơn bao giờ hết. Nhưng sự phân chia Huawei có thể đi đến kết cục là chúng ta bị đẩy ra xa nhau.” – ông James Griffiths nhấn mạnh trong bài viết đăng trên trang web của CNN ngày 7/6./.